Mai Văn Lạng sinh năm 1973 là trưởng phòng dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam, hội viên Hội nhà báo Việt Nam, hội viên hội văn nghệ dân gian Hà Nội, soạn giả chèo. Anh được biết đến nhiều nhất với tư cách là một soạn giả chèo.
Mai Văn Lạng viết lời mới cho rất nhiều loại hình dân ca như: Chèo, Tuồng, Cải lương, Ca Huế, bài chòi, Dân ca Nam Bộ, dân ca Thiểu số, ca trù hát văn . . . tuy nhiên nhiều hơn cả là chèo. Lời ca trong các bài soạn lời mới của anh giàu chất thơ, mộc mạc, giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ nhưng cũng có những ý tứ khá độc đáo, mang tính triết luận nhẹ nhàng. Ngoài ra anh còn tham gia viết hoặc chuyển thể cho một số vở trong nghệ thuật sân khấu chèo. Có người gọi anh là người thắp lửa, giữ lửa cho nghệ thuật cổ truyền.

Anh là một trong số rất ít người có thể hiểu sâu, hiểu cặn kẽ và thuộc hàng trăm làn điệu chèo, Quan họ, 20 bài bản tổ cải lương, hàng trăm điệu lý Khu 5, Bình Trị Thiên, Nam Bộ, hàng chục thể cách ca trù, các làn điệu hát văn, hiểu biết về rất nhiều loại hình nhạc cụ tiêu biểu của Việt nam v v. .
Anh chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã yêu thơ và rất thích làm thơ, yêu các làn điệu truyền thống của dân tộc mà nhất là chèo. Khi tốt nghiệp cấp III, tôi quyết đinh thi vào ngành biên kịch kịch hát, may mắn trúng tuyển, lúc đó ý nghĩ, khao khát được viết lời mới cho các bài chèo lại càng mãnh liệt hơn. Bắt đầu từ khi ấy, tôi đã có một quyết tâm cho mình là phải viết được thật nhiều những bài hát chèo với những lời ca mộc mạc, giản dị, gần gũi với nhân dân, nhất là người nông dân.”
Lạng chủ động tìm tòi, vào tận nhà các nghệ nhân, nghệ sĩ của làng chèo như cụ Minh Lý, NSND Dịu Hương, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Tú,… để học hát, học cách viết lời. Năm 1992, anh có bài hát đầu tiên gửi về đài Tiếng nói Việt Nam. Từ bài viết đầu tiên ấy, tôi đã có cơ hội trở thành cộng tác viên thân thiết của đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngoài việc là một soạn giả chèo, còn là một nhà báo, anh luôn chủ động đến với mọi miền quê của Tổ Quốc để thu thanh các làn điệu dân ca, phỏng vấn các nghệ nhân nghệ sĩ, sưu tầm các làn điệu dân ca mới lạ phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đã đi rất nhiều nơi, mỗi nơi có một kỉ niệm riêng nhưng theo anh, chuyến công tác tới đảo Trường Sa là kỉ niệm đáng nhớ nhất.

Anh tâm sự: “Được tới Trường Sa, thăm những người lính đảo, thấy được cuộc sống vất vả, gian lao để bảo vệ biên giới Tổ quốc của họ trong tôi mang rất nhiều cảm xúc. Tôi rất thích những lúc được hát cho họ nghe, thấy được tình yêu của những người lính với các làn điệu dân ca truyền thống , lúc đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc.”
Anh cho biết thêm: Trong tương lai, muốn đi thật nhiều nơi hơn nữa để thâm nhập thực tế, khơi dậy phong trào yêu dân ca, tìm ra những nhân tố mới cho nghệ thuật truyền thống, thu thập thông tin cho những bài hát mới. Bên cạnh đó, anh cũng muốn tổ chức thêm nhiều sự kiện, quy tụ những tấm lòng say mê nghệ thuật chèo đặc biệt là trước những sự kiện lớn, trọng đại của dân tộc. “Tôi muốn nghệ thuật dân ca truyền thống mà nhất là chèo sẽ đến ngày càng gần với khán giả trong nước và quốc tế nhất là các bạn trẻ nước ta, vì người trẻ sẽ là người tiếp bước, lưu giữ nghệ thuật truyền thống này.”
Trước tình trạng các bộ môn nghệ thuật truyền thống nhất là chèo đang bị mai một, anh chia sẻ:
“ Là một người đi trước, tôi cảm thấy rất quý và trân trọng những bạn trẻ có niềm đam mê, yêu thích những bộ môn nghệ thuật này. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng hãy cứ đam mê chèo, cải lương đừng sợ gì cả vì các bạn luôn có chúng tôi hỗ trợ, các bạn chính là nguồn nhân lực nhằm duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của cha ông, như vậy thì mới có hy vọng nghệ thuật truyền thống không bị mai một.”
“Tôi cũng hy vọng bên cạnh những lớp học nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ có thêm thật nhiều lớp học ngắn hạn dành cho những bạn sinh viên, những người yêu thích nghệ thuật truyền thống để nhiều người được tiếp xúc với nó hơn.”
Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Hoa Anh – Báo mạng điện tử K35