Khi bàn về Công nghệ giáo dục, tại sao một vị giáo sư già, ở tuổi 82, cả đời nghiêm túc trong khoa học, vẫn có thể làm cho xã hội chia rẽ sâu sắc đến như vậy: Kẻ ném đá, người cảm phục; người bênh chằm chặp, kẻ muốn dập tắt xóa đi?
http://
Chọn con đường sự nghiệp về giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài nhưng quyết tâm trở về Việt Nam khi là tiến sĩ khoa học. Được lãnh đạo cấp cao hỏi về giáo dục lúc ấy, GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn trả lời: “Cải cách giáo dục mà chúng ta đang làm sẽ thất bại”.
GS Đại chia sẻ ông đã từ chối lời mời làm quan chức giáo dục, chỉ có nguyện vọng được dạy lớp 1 với điều kiện mở trường Thực nghiệm. Vị giáo sư tóc bạc bảo quyết định đó khiến nhiều người tiếc nuối nhưng ông tâm niệm mở trường Thực nghiệm là công việc có trách nhiệm lớn với đất nước, với hàng nghìn học sinh. Ông muốn đất nước có một thế hệ mới – thế hệ tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình.
Khi sách tiếng việt tập 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại biên soạn được đưa vào áp dụng đã gây không ít sóng gió trong dư luận. Người khâm phục, người chửi bởi, người đồn đại, người gay gắt bảo “điên”… Tất cả cũng chỉ bởi gói gọn trong chữ “Mới”
Chính chúng ta – số đông – mới là những kẻ hoang mang và vội vàng đưa ra phán đoán. Chúng ta ở trong một xã hội mà suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ thôi chán nản về giáo dục, từ lâu đã không biết tin con đường giáo dục nào cả. Quá nhiều lần biến học sinh thành “chuột bạch thí nghiệm” nhưng chưa khi nào giáo dục Việt Nam leo lên khỏi vùng trũng thế giới.
Trong cơn hoang mang đó, bất cứ điều gì dám khác biệt, đều trở thành nạn nhân của số đông thiếu chính kiến, thiếu thông tin và sẵn sàng đưa người khác ra chê bai, phán xét.
Với sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, học sinh ban đầu chỉ học về tiếng – âm thanh nghe được thay vì học chữ – vật thay thế tiếng, như sách truyền thống. Sau đó các em sẽ được tiếp cận các thuật ngữ khoa học của ngữ âm học, luật chính tả. “Học sinh ở bất cứ vùng miền nào nước ta, dù đến trường hay không, khi học sách của tôi hết lớp 1 có thể đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bị tái mù”, GS. Hồ Ngọc Đại khẳng định.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Nếu học tiếng Việt theo sách của tôi, anh mở trang 24 thì tôi biết 23 trang trước học thế nào. Chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa làm tốt. Đến trang 124 thì tôi biết 123 trang trước anh học như thế nào… Như thế nghĩa là học sinh phải làm thế nào để mỗi một thành tựu trong quá khứ phải được nuôi sống đứa trẻ cả đời chứ không phải học xong, thi xong là thôi.”

Công trình khoa học nào cũng đáng quý, tâm huyết nào vì cả xã hội cũng đáng trân trọng. Có thể còn đó những thiếu sót, những bất hợp lí, gây tranh cãi nhưng cái mới, cái sáng tạo vượt ra khỏi khỏi cái bóng của lối mòn của GS. Hồ Ngọc Đại cần được khai thác và tìm hướng đi phù hợp với nền giáo dục nước nhà.
Hôm nay, những nhà hoạch định và làm giáo dục, có dám bước ra khỏi ngôi nhà an toàn, mạnh mẽ xô đổ những cũ kỹ, lạc hậu của giáo dục Việt Nam?
Trần Thị Huyền BM35